9 Sai lầm nghiêm trọng trong cách vắt và bảo quản sữa mẹ

0
1093

Làm mẹ là cả một quá trình nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm và sửa sai để trở thành một người mẹ tốt hơn, hoàn thiện hơn. Trong quá trình đó, mẹ có thể mắc sai lầm trong cách vắt sữa mẹ làm giảm chất lượng và số lượng sữa. Hoặc đó là sai lầm trong cách bảo quản sữa có thể đang âm thầm gây những nguy hiểm cho bé mà mẹ không hề biết. Vậy để tránh những nguy cơ không đáng có đó, mẹ hãy tránh xa những điểm sau đây trong cách vắt và bảo quản sữa mẹ nha.

1. Đặt quá áp lực khi vắt sữa

Một trong những sai lầm của các mẹ ít sữa đó chính là đặt quá nhiều áp lực là phải vắt được nhiều sữa hơn dẫn đến sữa về không hiệu quả. Trên thực tế việc mẹ stress, hormone prolactin và oxytoxin (là 2 hormon kích thích nang sữa ép sữa) bị hạn chế tiết ra.

Để làm giảm áp lực về số lượng mẹ tránh nhìn chằm chằm vào máy hút sữa để xem đã được bao nhiêu vì điều đó chỉ khiến bạn căng thẳng hơn. Xem phim, nghe nhạc, đọc những câu chuyện cười sẽ giúp mẹ thả lỏng, thư thái, và dòng sữa vì vậy cũng được tiết ra đều đặn hơn.

Khi vắt sữa thả lỏng cơ thể, có thể đọc báo hoặc xem phim

2. Vắt sữa ở đâu cũng được

Vắt sữa ở đâu thường là vấn đề mà các mẹ không mấy quan tâm, mà chỉ đơn giản là khi nào thấy bé quấy khóc là có thể vắt sữa luôn cho bé. Nhưng đây chính là thói quen không tốt khiến sữa mẹ chảy không thực sự nhiều, đặc biệt khi mẹ thường xuyên chọn những nơi ồn ào, bé đang quấy khóc.

Vì vậy những nơi phù hợp để mẹ hút sữa đó là:

  • Là những nơi yên tĩnh, quen thuộc và chọn tư thế thoải mái nhất.
  • Tránh gián đoạn khi đang vắt sữa: mẹ hãy sắp xếp việc nhà và dành riêng một khoảng thời gian để vắt sữa. Nếu ở nhà mẹ nên nhờ bố hoặc ông (bà) trông bé để có được không gian yên tĩnh nhất.

3. Dùng đồ vắt sữa được thanh lý lại

Tuyệt đối không được dùng đồ vắt sữa được thanh lý lại

Mua một chiếc máy hút sữa để dùng trong một khoảng thời gian ngắn với một chi phí khá đắt đỏ khiến nhiều mẹ có xu hướng lựa chọn những món đồ vắt sữa được thanh lý lại từ các mẹ khác. Tuy nhiên, những món đồ thanh lý này đang chứa những nguy hiểm tiềm ẩn.

Nhiều mẹ cũng có những nhận thức trong việc sử dụng máy hút sữa thanh lý vì vậy mà đã thay mới lại một vài phụ kiện như bình, dây hoặc phễu. Nhưng trên thực tế, đối với những đồ vắt sữa được thanh lý lại đã có chứa những phần tử sữa của mẹ trước thâm nhập vào màng và tồn tại lâu dài. Với cách vắt và bảo quản sữa mẹ sai này, nấm mốc chắc chắn sẽ xuất hiện và gây ảnh hưởng đến việc lưu trữ sữa mới.

4. Trữ sữa quá lâu

Thời gian bảo quản thích hợp cho mẹ như sau:

  • Thời gian bảo quản sữa mẹ ở bên ngoài: 6-8 tiếng
  • Thời gian bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát: 24 tiếng
  • Thời gian bảo quản sữa mẹ ở ngăn đá: 5-6 tháng

Mẹ nên áp dụng bảo quản theo đúng với mức thời gian trên với đúng loại hình bảo quản. Trong trường hợp mẹ cố gắng kéo dài thời gian trữ sữa quá mức cho phép sẽ khiến cho khoáng chất và vitamin C giảm đi đáng kể. Hoặc nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa của bé. Các chuyên gia cũng khuyên các mẹ nên hạn chế sử dụng sữa được bảo quản ở ngăn đá cùng với những thực phẩm tươi sống khác sẽ khiến cho vi khuẩn dễ dàng thâm nhập và gây hại cho bé.

5. Trữ sữa bên cánh tủ lạnh

Một trong những sai lầm trong cách vắt và bảo quản sữa mẹ hay mắc phải đó chính là để sữa bên cánh tủ lạnh. Sữa mẹ rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, vì vậy vị trí bên cánh tủ lạnh khiến sữa liên tục chịu ảnh hưởng khi đóng mở tủ thường xuyên. Vì vậy để bảo quản sữa tốt nhất, mẹ nên chọn 1 ngăn kín riêng trong tủ để hạn chế tối đa sự tiếp xúc vào sữa khi chưa dùng tới.

Nên để sữa trong 1 ngăn kín riêng trong tủ lạnh

6. Đổ sữa quá đầy vào túi sữa

Chỉ vì tiết kiệm và làm cho nhanh mà nhiều mẹ có thói quen cố gắng đổ đầy sữa vào túi trữ. Điều này thực sự phản khoa học, bởi khi cho vào tủ sữa lạnh sẽ nở ra và rất dễ gây tràn ra ngoài. Như vậy không chỉ làm hư hỏng lượng sữa bị tràn ra mà còn mở đường cho vi khuẩn xâm nhập vào lượng sữa bên trong gây nên những mầm bệnh cho bé.

Lưu ý: mẹ chỉ nên cho đầy ¾ túi sữa để bảo quản được tốt nhất.

7. Để chung sữa đang hút vào cùng túi sữa đang trữ

Sau khi cho bé dùng sữa xong còn thừa mà không muốn lãng phí túi, mẹ đã chọn cách tiết kiệm túi bằng cách đổ lại sữa vào với túi sữa đang trữ trong tủ. Nhưng mẹ cần biết đặc điểm của sữa mẹ vừa hút ẩm thì khá ấm, còn sữa mẹ đã trữ lâu ngày đang lạnh rồi, vì vậy mà khi mẹ đổ sữa đang sử dụng vào sẽ làm tan chảy một phần sữa đang trữ và làm sữa hỏng nhanh hơn.

Nếu mẹ vẫn muốn dồn sữa, thì cách tốt nhất mẹ nên dồn gọn và một túi và sử dụng hết túi đó trong ngày.

8. Bảo quản lại sữa đã dùng

Chuyện mẹ lấy sữa cấp đông sử dụng không hết lại mang cấp đông tiếp chắc chẳng còn là câu chuyện xa lại với các mẹ. Nhưng các chuyên gia khuyên mẹ không nên, vì sữa sau khi bị cấp động lại nhiều lần sẽ dễ mất đi chất dinh dưỡng và nhanh hỏng. Bởi quá trình đó làm cho chất sữa bị thay đổi lý hóa do tiếp xúc với nhiệt độ thất thường trong thời gian dài.

9. Hâm nóng sữa bằng lò vi sóng

Nhiệt độ của lò vi sóng cao, khi hâm quá lâu sẽ khiến sữa dễ bị giảm chất lượng

Hâm nóng sữa bằng lò vi sóng là cách làm nóng sữa được khá nhiều mẹ yêu thích do sự nhanh chóng và tiện lợi. Tuy vậy nhưng “dục tốc bất đạt”, nhiệt độ của lò vi sóng cao nhưng thường chỉ làm nóng ở bên ngoài, và nhiệt độ sữa không được đều. Nếu quay nhiều sẽ dễ khiến sữa bị giảm chất lượng do nóng quá mức cho phép.

Nhiều mẹ không lựa chọn hâm nóng sữa bằng lò vi sóng lại để sữa ở nhiệt độ thường đến khi nguội dần. Nhưng do sữa mẹ đang được bảo quản trong tủ lạnh lâu ngày, sữa sau khi bỏ ra ngoài sẽ dễ hỏng hơn sữa bình thường rất nhiều.

Cách tốt nhất cho các mẹ hâm nóng sữa đó chính là chuẩn bị sẵn 1 bát nước nóng khoảng 45 độ để sữa nóng đều và dùng ngay sau khi hâm xong để đảm bảo an toàn cho con.

Mẹ có đã vô tình mắc phải một trong những sai lầm trong cách vắt và bảo quản sữa mẹ ở trên không ? Nếu có thì hãy điều chỉnh ngay hôm nay để bé có được nguồn sữa tốt nhất nhé! Chúc các mẹ thành công trên con đường nuôi con bằng sữa mẹ.